Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

18-12

Từ 3 tuần nay nhà mình buồn thảm, đến tivi mẹ cũng chưa xem lại. Năm nào ngày này cũng được nhắc đến từ cả tháng trước đó. Năm nay đến tận chiều hôm trước mẹ mới nhớ ra hôm sau là ngày 18!
Sáng 16, con trai đánh mất điện thoại. Đêm 16 mẹ đi H.Giang, đêm 17 về. Ngày 18, cả 2 mẹ con trên Thái Nguyên, 5 giờ chiều về đến nhà là quyết tâm đi luôn ra phố. Mua xong Galaxy Y mẹ bảo, thế nào bố cũng kêu là chiều con quá đây, đánh mất cái điện thoại này là cái thứ 3 rồi đấy. Con có vẻ cũng biết là mình mắc lỗi, nhưng đúng vào ngày SN nên mẹ chiều thôi, cậu ta ko dám nói năng gì cả.
Chẳng có tâm hồn viết lách gì, mẹ ghi lại vài dòng về ngày 18. Rõ ràng lúc trên nhà bà ngoại mẹ đã cầm tờ lịch rồi mà sau lại đãng trí để đâu mất !
Chiều qua con có hỏi, mẹ ơi, có phải 19 năm thì lịch âm và lịch dương lại trùng ngày nhau không. Mẹ bảo đúng thế con ạ. Thế mà hôm nay tìm lại, 18/12/1992 là ngày 25/11 âm (mẹ nhớ thế và giở lịch ra cũng thế), oài, sao ngày 18/12/2011 lại là ngày 24/11 âm thôi nhỉ ? Rõ ràng ngày 22/9/1991 và 22/9/2010 đều có ngày âm là 15/8 mà.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Đi dạy

Tối muộn ngày 20/11, điện thoại rung tin nhắn : "Cô, em chúc cô khỏe. Em Minh QB".
"Cô cám ơn Minh. Chúc Minh luôn khỏe và vui".

Liền sau đó là một cuộc điện thoại : "Cô ơi, không biết cô còn nhớ không, chứ em thì mãi mãi không bao giờ quên. Sau lần vấp ngã ấy, đứng dậy đi ấy, đến giờ em luôn nhớ những lời cô dặn. Nếu ngày đó không phải là cô, chắc em chả được như bây giờ đâu. Em cám ơn cô nhiều lắm".
Giọng nói bồi hồi đầy xúc động của cậu học trò cũ làm mình nhớ lại ngày 20/11 năm ấy - gần 20 năm rồi. Cô giáo trẻ mới ra trường được vài năm, chủ nhiệm một lớp giáo sinh sư phạm. Ngày 20/11 cũng là ngày của các em, sáng ấy cô đến lớp, tặng mỗi học trò một tấm bưu thiếp. Chỉ thế thôi nhưng cô đã hì hục gần như cả tháng chuẩn bị. Mỗi tấm bưu thiếp tặng một học trò được cô ngẫm nghĩ cẩn thận xem ghi như thế nào cho phù hợp. Và tấm bưu thiếp của Minh là : "Không vấp ngã trong cuộc sống, điều đó vẫn tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy đi được, lại là điều tốt hơn" - rất đúng trong hoàn cảnh cậu lớp trưởng ngày ấy. Lời cảm ơn, rồi lời kể hồ hởi và tự hào về vợ và cô con gái làm cô giáo lây niềm vui của cậu học trò cũ.
Lớp chủ nhiệm đầu tay của cô ngày ấy giờ đã có khá nhiều em là hiệu trưởng, hiệu phó tiểu học, rồi giáo viên dạy giỏi ở HG. Đặc biệt còn có 1 cô bé em út của lớp, giờ dạy tại một trường tiểu học chất lượng cao của HN. Nhiều lúc nghĩ, có lẽ mình có duyên với nghiệp dạy hơn, nếu cứ theo nghiệp dạy thì giờ chắc có nhiều học trò thành đạt.
Nhớ lại lúc cô tặng bưu thiếp, trông đứa nào cũng hồi hộp, mở ra đọc những lời cô viết, rồi đứa thì ngượng ngập, đứa thì sung sướng, nhưng hình như đứa nào cũng thấy đúng là lời cô viết dành riêng cho mình.
Nhiều năm sau, bọn học trò đều nói, tấm bưu thiếp cô tặng em vẫn giữ đến tận bây giờ.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

20112011


"Con là học trò cưng của Thầy, là con út trong đại gia đình học trò NCS của Thầy, những ý tưởng SP của Thầy đang thực hiện con hãy đi tiếp nhé..."

Trời ơi ! Thế mà mình lại "mất dạy" ! Mình chưa bao giờ xứng đáng với những tâm huyết mà Thầy dành cho mình, cũng chỉ vì những "cơm áo gạo tiền..."

Nhiều lúc thấy mình thật hèn nhát !

Chẳng biết còn được chụp ảnh như thế này với Thầy bao nhiêu lần nữa.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

11-11-11

Gia đình mình đã chào mừng ngày đặc biệt này bằng nhiều việc, trong đó có việc chụp ảnh cùng những người nổi tiếng !

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Bài ca về giảng đường đại học

Nguyễn Kiến Thọ

Mai, bạn ơi dù bạn đi xa
Dù tới Điện Biên hay về xứ Lạng
Heo hút một dải miền rừng
Mái trường nhỏ tuềnh toàng dăm mái lá
Những riêng tư dẫu còn mới lạ
Thì cuộc đời đâu dễ đã nguôi quên
Nơi ấy mái trường, thuở ấy sinh viên

Giảng đường hẹp, ước mơ thì rộng mở
Nơi tề tựu bao bạn bè quen lạ
Nơi niềm vui không mất mát bao giờ
Tiếng trống trường thức lại tuổi ngây thơ
Mùa hạ đến suy tư chùm phượng đỏ
Thầy giáo già những nếp nhăn rạng rỡ
Mắt nheo cười trẻ lại mỗi mùa thi

Đấy, giảng đường (chẳng mơ mộng gì đâu)
Con đường nhỏ mùa mưa còn lầy lội
Bàn chân bước, bàn chân... ai đoán nổi
Dấu mình đi in bóng đã bao người
Ai cũng nhớ về năm tháng quá xa xôi
Một góc tuổi sinh viên mình ở lại
Giảng đường đã mấy lần thay áo mới
Dấu mực vương trên bàn gỗ hoen mờ
Ai đã một lần ngắt những bông hoa
Nâng niu ép nơi trang đầu cuốn sổ
Nơi những nỗi buồn cũng xui ta nhớ
Mỗi mùa thi lần lữa kéo nhau qua

Mai, bạn ơi dù bạn đi xa
Dù tới Điện Biên hay về xứ Lạng
Dẫu biết thế cuộc đời không đơn giản
Tiếc những gì đẹp nhất phía sau lưng
Trăm mọi ngả đường chẳng thể nào quên
Con đường nhỏ tới giảng đường đại học.


Mấy ngày nay nhộn nhịp đợi hội lớp đại học gặp nhau, có 2 đứa mình chưa gặp lại sau 20 năm, mà chẳng phải xa xôi gì, đây với Quảng Ninh. Còn không bằng đứa xa nhất, tận nửa kia bán cầu thì lại cứ 1- 2 năm gặp/lần !
Giờ trường đông quá, các khoa không tổ chức cùng nhau được, cũng hơi tiếc ! Chơi với hội khác khoa cũng nhiều, mà bọn đấy thì lại càng ít thông tin, gặp thì thích lắm. Năm nay khoa Toán, khoa Hóa không tổ chức cùng đợt với khoa Lí mình, một số người muốn gặp lại phải đợi 5 năm nữa !
Anh xã cứ kêu, ngày nào tôi chả hội lớp, chỉ béo mấy đứa hồi xưa yêu đương không lấy được nhau thôi...

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

HOA

Lâu lâu mình chưa có ai tặng món gì, nhất là hoa thì hình như càng xa xỉ. Mình toàn tự tặng mình tứ lung tung, nào giầy, túi, ví, thậm chí chuyển từ xì tai váy liền sang xì tai quần áo sơ vin nên đồ đạc mấy nay cũng lắm. Thế mà vẫn chưa hết được đam mê. Cũng đang có ý đợi đợi xem sắp đến cái ngày mà ít nhất cũng có mít tinh hội họp chi chi đó, mình có gì thêm không, hìhì...
Chiều tối hôm trước, thấy bạn Hoa lễ mễ bưng một cái hộp khá to vào, mở ra và đặt lên bàn "Cháu mua tặng cô nhân ngày 20/10". "Ái chà chà, to thế, phức tạp thế..." Tuy kêu lên thế nhưng trong bụng mình sướng âm ỉ. Thế là mình có hoa rồi, thế là cũng có ai đó thấy mình hình như thua ai đó (hic hic, đoạn này đụng chạm à nghen !)

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Điện Biên Phủ

Đây là tượng đài Kéo pháo, được xây dựng trên đường đến Điện Biên Phủ. Hình như lúc qua đó mình say xe nên giờ không nhớ chính xác ở đoạn nào.




Vào thăm nơi làm nên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Hai bên đường là bản người Thái, thanh bình, thơ mộng. Bạn này ngắt trộm bông hồng leo ở bờ rào bị một bạn nháy luôn !


Đường vào khu di tích. Các em nhỏ người địa phương hiếu khách luôn đi bên cạnh, nhường đường tốt cho khách du lịch.


Mình thì cứ thấy bọn trẻ con là thích chụp ảnh.


Còn thanh kẹo béo cuối cùng trong túi.


Hầu như ai lên đến đây cũng chụp một cái ảnh ở vị trí này. Ngày bé học Lịch Sử, hình như chưa bao giờ mình dám mơ mộng có ngày được đứng ở chính nơi đây.


Ngồi trong hầm làm việc của Đại Tướng. Hầm này thông sang hầm của tướng Hoàng Văn Thái. Tối om om, thế mà không hiểu sao ai đó vẫn chụp được cho mình một cái ảnh tương đối sáng thế này.


Đây là hướng dẫn viên của mình trong suốt chuyến đi. Nghe các cậu bạn ấy bảo : Bạn ấy thuộc lịch sử nhất đấy ợ.


Tiễn khách.



Đồi A1



Vẫn còn lại hàng rào dây thép gai.


Và hầm tiếp viện của quân đội Pháp.


Bây giờ, đồi được đặt thêm chữ A1 vào đây.


Định là "5 chị em trên một chiếc xe tăng" cơ, nhưng một chị mãi không sao leo lên được, đành đứng bên cạnh.


Cứ tưởng hầm ĐờCát nằm trên đồi A1, (hi hi, không hiểu trong SGK có nói rõ điều này không nhỉ ?), thế là mấy tên thử làm ĐờCát phát xem cảm giác thế nào ! Hóa ra hầm ĐờCát nằm ở chỗ khác cơ.



Nào cùng đi đến....



Chắc là ông ta chui ra hàng từ cửa này, vì có hai cửa hầm, đây là cửa chính, mà sao không nghe hướng dẫn viên nói gì, cũng chẳng nghĩ ra để mà hỏi !


Và đây là tượng đài chiến thắng, được xây dựng ở thành phố Điện Biên Phủ hiện giờ.


Sau lưng mình là Cánh đồng Mường Thanh ngày nay, không chỉ là những thảm lúa vàng rực nữa, một đô thị đã được xây dựng.



Trên đường về Hà Nội, ghé qua thăm lại Nhà tù Sơn La. Cây đào Tô Hiệu bây giờ đã chết hẳn, chỉ còn cành ghép này thôi. Cũng vẫn biển Cây đào Tô Hiệu cả, nhưng ở bức ảnh trước của mình (http://ptn-ptn.blogspot.com/2010/08/nho-son-la.html) thì khác hẳn !

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Mường Phăng

Sáng qua thấy tivi nói sinh nhật Cụ Giáp, mình khoái quá. Vậy là vô tình mình thăm chiến trường của Cụ đúng dịp này, khoái !

Cách Điện Biên Phủ khoảng mươi mấy cây số gì đó, rẽ vào Mường Phăng, là nơi đặt đại bản doanh của Cụ Giáp trong chiến thắng lịch sử mấy mươi năm trước. Có lẽ chẳng ở đâu như nơi này, hướng dẫn viên du lịch có ở đây cũng chẳng có cơ hội mà hành nghề. Đoàn mình vừa tới chân núi, lập tức một đoàn các bạn tý hon (vì mình thấy có cả em bé chỉ khoảng 3 - 4 tuổi) bám theo luôn. Mình được một cậu bé áng chừng 13 - 14 tuổi đi ngay cạnh.
"Ngày 19 tháng 4 năm 2004, Cụ Giáp lên thăm chiến trường xưa và thăm cụ Bóng, tặng cụ Bóng một cái xe đạp điện đấy ợ".
"Cụ Bóng là người đưa cơm từ dưới bản lên cho cụ Giáp đấy ợ. Năm nay cụ Bóng 90 tuổi, kém cụ Giáp 11 tuổi đấy ợ".
"Bây giờ, con trai cụ Bóng làm chủ tịch xã đấy ợ".
"Đây là hầm và lán làm việc của trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy đấy ợ".
"Đây là đường hầm mà các chiến sĩ thông tin liên lạc đi lên chỗ cụ Giáp đấy ợ".
"Đây là hầm của trưởng ban tham mưu Hoàng Văn Thái đấy ợ".
"Đây là hầm Cụ Giáp đấy ợ, đi thông sang hầm của tướng Hoàng Văn Thái đấy ợ".
"Nơi này khi chiến thắng, dân bản góp 3 con trâu đấy ợ. Cụ Giáp mổ 1 con khao dân bản, còn 2 con khao chiến sĩ đấy ợ".
"Chúng cháu không cần gì ở Cụ Giáp đâu ợ. Được nhìn thấy Cụ Giáp là vui lắm rồi đấy ợ".
"Lịch sử của quê hương chúng cháu thì chúng cháu thuộc đấy ợ".
"Mỗi ngày chúng cháu đi mấy lượt đấy ợ. Cứ có khách đến thì đi thôi ợ".

Vân vân và vân vân...........

Khi xuống núi, các hướng dẫn viên nhí ấy chỉ cần mỗi khách hàng mua cho chúng 1 - 2 gói thuốc, mỗi gói 10 - 20 K, mà lúc đầu mình cứ thấy chúng cầm khư khư trong tay. Mình chẳng biết làm gì với gói thuốc ấy, nên rút 10 K đưa nhưng cậu bé không thích, cứ muốn mình mua gói thuốc trong tay cậu.
Điều làm mình thấy rõ bản tính hiếu khách là các cậu bé, cô bé ấy bao giờ cũng nhường đường dễ đi cho khách, còn chúng thì đi vào chỗ đường đất, mấp mô bên cạnh. Không cần đợi khách hỏi, chúng tự thuyết minh, và thuộc làu làu. Đường chỗ nào cũng thông thạo.
Vui nhất là các em bé 2 - 3 tuổi, cứ 5 - 6 bé đứng thành một tốp, khi có khách đi qua thì giơ tay vẫy chào, trông rất yêu. Lần này đi, mọi người quên mất không chuẩn bị kẹo, trong túi có bao nhiêu rút ra hết mà không đủ chia, thế là tiền lẻ thay thế...
Lên xe ra về, mọi người cứ nhắc đi nhắc lại câu "Chúng cháu không cần gì ở Cụ Giáp đâu ợ. Được nhìn thấy Cụ Giáp là vui lắm rồi đấy ợ".


(Mới đi về chưa kịp ảnh ủng gì, nợ lại mọi người vậy, sẽ xin bổ sung sau). Mà nhìn 2 cái hầm, hầm Cụ Giáp và hầm ĐờCát, mới thấy các cụ nhà mình giỏi thật. Hầm mình đào vào núi, tường vách đất nguyên sơ, hầm nó hoành tráng hẳn. Thế mà cũng chiến thắng mới kinh !

Đặt gạch.

Lâu quá không vào được blog, thử còm tại blog mình mà không được, thử đặt cục gạch vào đây phát xem sao.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Mùa ổi chín !


Cách đây mấy năm, mình lọ mọ nhờ người mua được cây ổi giống mới tận trường ĐH Nông Nghiệp về trồng. Mùa này là mùa thứ 4 được ăn quả. Ngay năm đầu cây đã rất sai quả, không như lệ thường mùa quả bói chỉ loáng thoáng. Chắc tại giống mới.
Giống ổi (tên gì người mua chả nói cho mình rõ) quả roi rói, không to lắm nhưng giòn mà ngọt. Năm đầu tiên, quả rất ngon, nhà có ít người nên hầu như mình vặt mang đến cơ quan để mọi người cùng ăn cho vui. Một hôm vui tính thế nào chồng bảo, để anh mang một túi lên văn phòng anh. Chao ơi, sau lần đó, mọi người biết cây ổi ngon, chú ý đến nó, thế là cơ hội cho mình mang đi giảm hẳn.
Sang năm thứ 2 và thứ 3, thậm chí mình còn đùa, mùa này em chưa kiếm được quả ổi nào ưng ý đâu nhé, muốn ăn toàn vặt xanh một tẹo, vì hầu như nó chả kịp chín ! Mà hồi đó mình còn chăm, chả biết nghe ai bảo, mỗi năm chôn ít lòng cá, lòng gà gì đó (đại để là ít chất đạm) xuống gốc, nên quả sai và ngọt.
Năm vừa rồi mình lười hay quên chả rõ, không chôn được tí đạm nào vào gốc ổi. Đến mùa, cây vẫn sai, chỉ tiếc là đang ra hoa và quả thì anh thợ vườn của Văn phòng làng trẻ chặt bớt mất 1/3 cành vì nó lòa xòa ra đường đi. Quả thật năm nay, chất lượng ổi giảm hẳn. Có lẽ vì ổi bớt ngon đi nên mọi người cũng lơ là, mình thấy nhiều quả chín ghê, chả ai vặt mấy. Tuần này đang rộ nên ngày nào mình cũng được vặt một túi mang đến cơ quan. Mình cứ nghĩ không ngon lắm nhưng mọi người thích và khen "ngon mà, ổi bán ngoài đường cũng thế mà, đây lại là ổi sạch nên quá ổn !".
Thấy mọi người thích ăn nên mình vui lắm, sáng dậy là chạy ra vặt ổi. Chồng đùa, vợ mình thu hoạch là giỏi nhất, mình chả nhìn thấy quả nào mà hắn cứ vặt hàng túi. Chồng đâu có biết, không chỉ là vặt ổi, mà đó là mình được trở lại cảm giác tuổi thơ của mình, giữa vườn cây ăn trái rậm rì của ông nội. Khu vườn suốt một thời thơ ấu mình lang thang trong đó, sống hồn nhiên như cây cỏ, để rồi lớn lên mới biết rằng, mình đã có một tuổi thơ thật hạnh phúc.
Giờ đây, con trai mình lớn lên giữa phố xá đông vui, nó hoàn toàn không có được những cảm giác sống giữa thiên nhiên như mình hồi bé. Mình đã không cho con được một tuổi thơ như ông bà nội đã cho mình !


Cảm ơn cây ổi, cảm ơn mọi người đã thích ăn !
Nhất định mùa sau mình sẽ chăm bón cây tốt hơn, để trái sai và ngọt.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tìm mộ bác

Sáng nay, Giang chợt hỏi, mẹ ơi, hôm nay 27 rồi à, sao mẹ chưa thắp hương ông Riệp ?
Mẹ ngẩn ra, trời ơi, sao mẹ lại quên nhỉ ? Thôi, bố đi làm rồi, chiều về mẹ sẽ mua đồ để bố thắp hương ông.

Ông nội Giang có một người anh trai, tên là Vũ Đức Riệp. Ông là liệt sĩ, hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, giờ còn lại bác dâu và chị gái. Ngày mới về làm dâu, nghe chuyện về bác, mình cứ thương mãi bác dâu, lần đầu tiên mình gần gũi và "người thật việc thật" đến thế với cuộc chiến tranh ấy !

Chuyện tìm mộ bác thì cũng nhiều, nhưng mình nhớ nhất chuyến đi mình tham gia, cách đây đã 2 năm rồi.

Trước chuyến đi, nhà mình đã tham dự lễ cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sĩ ở số 1 Đông Tác, đã đến tận nhà thầy Lư (nhà ngoại cảm), được thầy chỉ dẫn tận tình và chuyến đi đã có điểm đến, đó là nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị. Cũng phải nói thêm, thầy chỉ dẫn việc thử mộ bằng việc cắm trứng (cắm một chiếc đũa lên phần mộ, đặt quả trứng lên đầu đũa, nếu trứng đứng yên thì đó đúng là mộ người nhà mình). 5 quả trứng và một đôi đũa đã được bác dâu thắp hương trên bàn thờ liệt sĩ ở nhà 5 hôm liền và mang theo.

Sau 1 đêm nằm trên tàu, qua nơi đón tiếp thân nhân liệt sĩ ở thị xã Quảng Trị, khoảng 10 giờ sáng, cả đoàn đã có mặt tại nghĩa trang xã Cam Chính. Lần này đi có 5 người, bác dâu, chị Nhâm (con gái liệt sĩ), 2 vợ chồng mình, anh Hiệp (con trai với người chồng sau của bác dâu). Mọi thứ lễ lạt cần thiết đã sắm đủ từ Hà Nội, kể cả hoa.

Trong lúc chờ đợi người quản trang, cả đoàn được một gia đình 2 vợ chồng trẻ nhà đối diện nghĩa trang mời vào. Biết đoàn đi tìm mộ liệt sĩ, 2 vợ chồng rất nhiệt tình, mời nghỉ ngơi, để đồ, và sẵn sàng làm cơm trưa phục vụ mọi người. Đây là một gia đình theo đạo, không thắp hương, không có bàn thờ, nhưng khi nhà mình tìm được phần mộ của bác, 2 vợ chồng lại nhận phần hương khói hộ gia đình. Mình nhớ mãi giao thừa năm ấy, 2 vợ chồng sang nghĩa trang thắp hương và gọi điện cho nhà mình từ nghĩa trang. Giờ 2 gia đình đã trở nên thân thiết.


Chú quản trang ở đây tên là Cáp Kim Xinh, mọi người bảo khó tính lắm đấy, ko cẩn thận là ko vào được nghĩa trang đâu. Nhưng khi nhà mình đưa ra các giấy tờ của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, nói rằng phần mộ liệt sĩ Vũ Đức Riệp nằm trong nghĩa trang Cam Chính thì ông rất cới mở, sẵn sàng phục vụ đoàn vô điều kiện. Bản thân ông đã từng là một người lính, hiện nay, 2 người con của ông đang chịu di chứng của chất độc màu da cam, mình rớt nước mắt khi nhìn 2 em ấy ăn cơm. Sau này món quà của mình gửi vào cho ông từ Hà Nội là mấy tập truyện ngắn viết về chiến tranh, ông quý lắm, nói rằng đọc thấy lại cuộc sống của mình và đồng đội trước đây.

Trở lại chuyện đi tìm mộ. Sáng ấy, vào nghĩa trang, việc đầu tiên là thắp hương ở kì đài và khắp một lượt tất các mộ. Mình đã đi nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên (Hà Giang), nghĩa trang Mai Dịch, nhưng chưa lần nào cảm xúc như lần này. Có cái gì đó thiêng liêng hơn, và rõ ràng nhất là đau xót hơn ! Có lẽ do cảm giác tìm phần mộ người nhà, và sau đó là do có vô vàn bia mộ ghi "Liệt sĩ chưa biết tên", vâng, chưa biết tên, nhiều lắm, nhiều hơn số mộ đã có tên tuổi rõ ràng nhiều...


Trời hôm ấy mưa lướt thướt, thắp hương mãi mới được vì ướt. Xong mọi thủ tục, chồng mình gọi điện để thầy Lư chỉ dẫn. Có một số chi tiết mà mọi người giật mình vì chả hiểu sao thầy nói đúng thế. Đúng số người hiện có trong nghĩa trang, đúng cả chi tiết "gần chân Hảo có 1 cái túi bóng, nhặt đi, không mình "nhìn" khó quá"... nhưng loanh quanh mãi mà không thể tìm ra được mộ bác. Hơn 12 giờ trưa, cả đoàn quyết định nghỉ ăn cơm, chiều tìm tiếp.

Ngồi ăn trưa, mình hỏi thăm lan man thế nào mới ra là sáng nay chưa thắp hương hết toàn bộ nghĩa trang. Hoá ra, phía đằng sau kì đài có 2 ngôi sao 5 cánh, mỗi ngôi sao đó chính là một ngôi mộ tập thể ! Vì 2 ngôi sao xây không cao, mà lại cỏ dại lùm xùm nên không ai nhìn rõ, mà chú quản trang thì quên không nhắc ! Thế là mọi người hiểu ra, sáng chưa thỉnh hương hết các hương linh liệt sĩ trong nghĩa trang, thảo nào thầy Lư mãi không chỉ dẫn được cho đúng !

Chiều, gió mưa vẫn vần vũ trên đồi. Nhưng sau mọi thủ tục hương khói (tất nhiên lần này không thể quên 2 ngôi sao mộ tập thể nữa!), và sau một hồi chỉ dẫn, thầy Lư đã chỉ ra được ngôi mộ chưa biết tên này có hài cốt bác mình dưới đó !


Và mọi người tập trung đầy đủ quanh mộ, chuẩn bị lễ cúng. Một chiếc đũa đã được cắm lên phần mộ.



Lễ xin âm dương đã được đồng ý.


Sau lễ cúng, đến phần thử bằng cách cắm trứng. Vừa cắm, mọi người vừa lễ và khấn. Bác dâu mình là người cắm được quả trứng đứng yên trên phần mộ đầu tiên, nhưng nhanh quá, mọi người chưa kịp định thần, thì trứng đã rơi. Ngay giây phút trứng rơi, điện thoại của chồng mình rung lên, là thầy Lư gọi, "anh Hảo à, trứng rơi rồi phải không?", mọi người sững sờ ! "Vâng, nhưng thầy ơi, nhanh quá, cũng chưa cả kịp ghi lại hình ảnh mang về, thầy xin bác giữ trứng lâu một chút nữa thầy nhé".
Lần thứ hai, trứng đậu khá lâu, giữa mưa gió vần vũ, một quả trứng sống đứng yên trên đầu nhỏ của chiếc đũa.

Đây là bác dâu, và chị gái, bao năm mẹ con tìm kiếm, giờ đã thấy mộ bác trai.

Anh xã nhà mình, cháu ruột của bác, theo như tục lệ thì đây sẽ là người thờ cúng bác cùng bàn thờ ông bà tổ tiên.



Đây là Hiệp, con của bác dâu với người sau, nhưng bỏ rất nhiều công trong việc tìm mộ bác, và gia đình mình gần như không có sự phân biệt giữa chị Nhâm và anh Hiệp.


Chú Cáp Kim Xinh cũng rất mừng khi biết từ nay nghĩa trang bớt đi một ngôi mộ "Liệt sĩ chưa biết tên".


Đêm hôm ấy, ngủ tại Nhà khách của Sở LĐ-TBXH Quảng Trị, nơi đón tiếp thân nhân liệt sĩ, chừng 2 giờ đêm, thấy anh xã gọi, bác, bác ơi, mình lay lay, anh gọi gì thế, anh xã ngồi dậy và nói, anh vừa thấy bác Riệp về, đứng ở chỗ kia kìa... thế rồi, cả nhà thao thức chả ai ngủ lại được nữa.



Hoàn thành mục đích của chuyến đi, cả đoàn chia tay nghĩa trang, chia tay những người bạn mới mà từ nay đã trở nên thân thiết, gửi lại một niềm thương nhớ và một địa chỉ để hàng năm gia đình thăm viếng.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Chàng KTS tương lai!

Hôm nay, thật ra là mẹ đang buồn chán cực kì, nghĩ ngợi lắm lắm. Sau nghĩ đến một điều là sắp tới mình sẽ có một chàng KTS ! Đó là niềm vui của mẹ.

Bạn ấy sinh ra và lớn lên ở miền núi, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy con dao phát này lại ở Làng cổ Đường Lâm.


Không hiểu bạn ấy có làm được món đồ gốm nào không?


Hoá ra bạn ấy đi chơi nhiều hơn mẹ tưởng, chỗ nào của Hà Nội đây mẹ không hề biết, chỉ đoán là bãi giữa sông Hồng!


Đây là đang trầm ngâm ngẫm xem mình trở thành KTS có hợp không?


Còn 2 cái ảnh này thì thú thật là mẹ trông người lớn quá đi mất!



Đây thì đích thực là chàng KTS tương lai rồi nhỉ, (bạn ấy bắt đầu đi học mấy cái phần mềm đồ hoạ)?

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Lại một lần thi !


Đây là một bài tập mà năm ngoái Nó làm trong đợt ôn thi ĐH, thiết kế biểu tượng của Hội Sinh viên Kiến trúc.

Tối qua, nhận được thông báo, Nó là một trong 60 SV được lựa chọn để thi vào lớp Chất lượng cao của trường. Ngày mai đã phải thi rồi.

Bố và mẹ nhất trí với nhau, nguyên việc được lựa chọn là 1 trong số 60 bạn vào thi, đã làm bố mẹ vui rồi, thi được hay không không phải là quá quan trọng nữa. Tối nay, bố không ăn cơm nhà, thế là mẹ quyết định 2 mẹ con sẽ đi ăn gì đó mà bọn teen như Nó hay thích (KFC chẳng hạn), chả là bố thì rất ngại ăn mấy thứ kiểu đó, nhưng mẹ thì chiều Nó được. Ít nhất cũng động viên tinh thần mai thi cho tốt nhất theo khả năng của Nó.

Mà hôm qua Nó bảo, mẹ ơi, giờ con hết teen rồi nhé, 19 rồi mà!