Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Thành phố Hà Giang

Ngày 27/9, Chính phủ ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP thành lập thành phố Hà Giang, trực thuộc tỉnh Hà Giang

Thành phố Hà Giang được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hà Giang.

Diện tích tự nhiên của thành phố là 13.531,93 ha và 71.689 nhân khẩu, 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường: Trần Phú, Minh Khai, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngọc Hà và 3 xã: Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ.

Trước thời điểm trở thành thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã Hà Giang đạt 17,96% (năm 2009), thu nhập bình quân đầu người 989 USD/người/năm; thu ngân sách năm 195 tỷ đồng, trong đó nguồn thu mà thị xã được phân cấp là 118 tỷ đồng. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng thương mại dịch vụ của thị xã Hà Giang chiếm 70%.

Toàn thành phố Hà Giang hiện có 950.000 m2 diện tích nhà ở với bình quân đầu người đạt 15,8 m2. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố trong khu vực nội thị đạt 76%.

Thành phố có 146 km đã được trải nhựa và bê tông hóa. Hệ thống cấp điện được đảm bảo, 90% đường phố được cấp điện chiếu sáng. Hệ thống thông tin, liên lạc được phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của thành phố với các vùng, các khu vực.

Nhân dịp này, mình muốn giới thiệu một số hình ảnh về tỉnh HG, những nơi mà nếu có dịp lên HG, bạn nên đến thăm.

Cửa khẩu Thanh Thuỷ
Hà Giang có một cửa khẩu quốc tế, đó là Thanh Thuỷ. Còn nhớ, lần đầu tiên mình lên cửa khẩu Thanh Thuỷ là năm 1991. Lúc ấy, chưa bao giờ mình được đi nước ngoài cả. Khi cách cửa khẩu khoảng 5 km có tấm biển đề Vành đai biên giới, mình hồi hộp và xúc động lắm, nhất là ngay gần tấm biển ấy có một ngôi mộ liệt sĩ, giờ mình vẫn nhớ, tên là Lê Thiếu Hoa. Chiều biên giới heo may lành lạnh, con đường nhỏ vừa một làn xe, vừa đi vừa gạt những bông lau trắng thò ra đường... trời ơi, hiu quạnh quá, ngôi mộ cô đơn quá... Cảm giác ấy còn nguyên những lần lên sau đó, cho đến lần vừa rồi, không còn ngôi mộ ở đó nữa, con đường rộng rãi thoáng đãng ra nhiều, đi qua đó mình mới không còn thấy hiu hắt nữa.
Giờ thì cửa khẩu đã khang trang thế này rồi. Đây là đứng từ bên TQ nhìn về VN.


Còn đây là đứng từ VN chụp sang phía TQ.

Cảm giác rưng rưng bên cột mốc...

Núi đôi Quản Bạ
Muốn lên 4 huyện vùng cao núi đá của Hà Giang, đầu tiên bạn phải vượt đỉnh dốc Păcxum, dù là lái xe chuyên nghiệp dưới đồng bằng, bạn cũng cần cẩn thận. Nhưng qua dốc đó, bạn sẽ đến một vùng quanh năm mù sương, đó là xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ). Đây là vùng trồng rau của hà Giang, đã có những dự án như rau đậu Hà Lan, bắp cải Đà Lạt, hoa hồng Đà Lạt được trồng ở đây. Đặc biệt là rau đậu Hà Lan thì mình chưa gặp ở Hà Nội. Rau có dạng dây leo, lá như 2 cánh tai nhỏ nhỏ ấp vào nhau, nấu canh ngọt kinh khủng, dù chỉ nấu suông. Qua khỏi vùng mù sương đó hiện ra thị trấn Quản Bạ, xa xa thấy hình dáng thiếu nữ nằm ngủ, có cặp Núi Đôi đẹp mê hồn. Tiếc là hôm đó trời mù, mình không chụp được ảnh từ đỉnh núi, sau đó xuống chân Núi Đôi mới chụp được nên ảnh chỉ được thế này thôi.

Sau đó, còn nhiều cua tay áo nổi tiếng và dốc nữa thì mới có thể đến được thị trấn Yên Minh. Ở đây có một cái chợ họp vào chủ nhật, ngay cạnh dòng suối, lần đầu ở Yên Minh, mình ngạc nhiên quá khi thấy chủ nồi thắng cố điềm nhiên múc nước suối đổ thêm vào nồi khi nước cạn, hihi, chuyện đó bình thường mà. Lên Yên Minh lần nào cũng vô cùng thích thú với rừng thông, nhưng đoạn qua rừng thông cua lắm, mình dễ say xe kinh khủng.


Dinh thự Vua Mèo
Lên đến Đồng Văn bạn nhớ ghé Sà Phìn thăm di tích nhà Vua Mèo Vương Chí Sình nhé. Thú thật là Tô Hoài tả khéo lắm í, mình đọc truyện của ông, cứ tưởng nhà Vua Mèo phải cao, rộng... tóm lại là hoàng tráng lắm, ai ngờ nơi để cái phản xử những người dân Mèo phạm tội cũng chỉ ... vừa vừa thôi, độ bằng 2 -3 cái chiếu. Buồng bà cả, bà hai, bà ba thì cứ san sát nhau, mỗi buồng chỉ độ hơn chục mét vuông... Ấn tượng nhất là cái thùng tắm sữa dê của Vua, còn đến bây giờ, mấy anh cứ thích nhảy vào thử xem sao, nhưng thú thật, chỉ ngập đến bụng là cùng.
Đây là mộ ông Vua Mèo nổi tiếng, đi ngựa về Hà Nội họp Quốc Hội.


Đây là cổng vào nhà Vua Mèo. Đến đây, mình thích nhất là những cây thông, tạo cho mình cảm giác nơi đây hùng vĩ hơn, đúng là dân Mèo ngày xưa đến cổng nhà Vua đã chết khiếp. Giờ họ hàng nhà Vua ấy đã chuyển ra ngoài ở, có 6 căn nhà ngay gần đó, để dinh thự lại làm nơi tham quan du lịch cho du khách.


Cột cờ Lũng Cú

Điểm cực Bắc của Tổ Quốc là nơi này. Lá cờ rộng 54 m2 luôn tung bay. Các anh bộ đội biên phòng ở chốt bảo là nhanh phải thay cờ lắm, rách và bạc màu luôn luôn. Cột cờ trên đỉnh núi, khi tới chân núi, qua cửa đồn biên phòng là rất nhiều trẻ em chạy theo xe ô tô. Đường lên đỉnh núi vòng vèo, các em cắt rừng chạy thẳng, thế là gặp nhau ở chân núi nhưng người đi ô tô lên đến nơi thì người chạy bộ đã ở trên đó lâu rồi. Đoàn mình mua một túi kẹo các loại to đùng, lên chia hết vèo, địu cả em đi nhận kẹo nhé.


Ai lên đến Cột Cờ đều muốn ngồi đây một chút. Đỉnh núi cao, phóng tầm mắt được bốn phía. trời trong xanh, mây trắng, bản làng cuối cùng của VN ngay dưới chân, ở đó, có các cụ già không hề biết nói tiếng Kinh.

Tượng Bác ở Mèo Vạc
Từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, qua đỉnh dốc Mã Pì Lèng nhớ dừng lại, nơi có thể nhìn thấy dòng sông Nho Quế mảnh như một sợi chỉ dưới chân núi. Cảm giác đứng đây thật tuyệt, nhìn xuống là vực thẳm, giơ tay với tận trời... Mã Pì Lèng, ấy là sống mũi của con ngựa, đi trên Mã Pì Lèng nguy hiểm như đi trên sống mũi của con ngựa, một bên là vực, một bên là sườn núi. Lần đầu tiên đi qua đây, hồi ấy đường còn nhỏ hơn bây giờ nữa chứ, mình thậm chí không dám thò mặt nhìn ra ngoài, vì cảm giác giơ tay là với sang đến sườn núi bên kia...

Thị trấn Mèo Vạc nhỏ xinh và sạch sẽ, đến nỗi mọi người thốt lên, không ngờ nơi heo hút này có một thị trấn xinh đẹp và sạch sẽ đến thế. Cuối xuân, vẫn còn những cây đào phai khoe sắc giữa những áo chàm, váy hoa rực rỡ. Giữa thị trấn có tượng Bác Hồ bằng đồng, xây cao trên đỉnh núi đá nên đứng ở vị trí nào cũng nhìn thấy cả. Như một điểm nhấn, một nét riêng chỉ Mèo Vạc.

Anh xã nhà mình được sinh ra và lớn lên ở đây, nhà ở ngay đằng sau, phía bên phải của tượng đài. Buồn cười nhất là khi mới học vỡ lòng, một hôm đi học về đã dẫn ngay 1 bạn gái người Mèo vào hàng phở, ăn xong bảo chủ quán, tý nữa mẹ cháu ra trả tiền nhé. Buồn cười hơn nữa là hơn 20 năm sau, mình lên đó dạy học 2 tháng, thế nào mà lại chủ nhiệm đúng lớp cô bạn ấy, và lại chính cô bạn ấy nói với mình về kỉ niệm này, he he he, chuyện hay quá đi mất !

Còn nhớ lần công tác ở đây 2 tháng hè, một lần mình ngơ ngẩn chạy theo một anh Mèo, sáng thì anh ta đuổi 2 chú lợn con ụt ịt xuống chợ, mỗi con bé xíu độ 2 -3 kg gì đó thôi, không hiểu sao có thể đi từ tận núi nào xuống, trưa lại thấy đuổi chạy về qua chỗ mình, chắc là không bán được, mình lại chạy theo xem 2 con lợn leo núi kiểu gì. Lợn Mèo buồn cười quá. Nếu bạn ở đây vào tối thứ 7 hay chủ nhật, đi đường nhớ cẩn thận, vì các anh Mèo mặc quần áo tàpủ đen sì say rượu nằm lăn quay ở đường. Hic hic, một lần mình đi vấp phải một anh, mình la oai oái, còn anh ta vẫn ngủ khì khì... Anh nào may có vợ thì vợ ngồi cạnh canh cho ngủ, không có ai canh thì cứ nằm ngủ giữa đường, bao giờ tỉnh thì về.
Nếu đến Mèo Vạc vào đúng dịp 27/3 âm lịch, vào thăm Chợ tình Khau Vai. Hồi ấy, (năm 1998), cậu học trò mình đã bảo, cô ơi, chợ tình ngay đầu hồi nhà bọn em mà, nhưng mấy năm nay người Kinh và Tây balô lên nhiều lắm, họ (những người đi chợ tình truyền thống thực sự ấy) cứ dịch dần vào núi thôi. Không hiểu đến giờ ra sao, chắc "bản sắc" mai một nhiều lắm rồi.

Tắm ở HG
Khi lên thăm HG, trước khi đến thị xã xinh đẹp này khoảng hơn hai chục cây số, bạn dừng lại vào tắm suối khoáng Thanh Hà cho giũ hết mệt nhọc đường xa nhé. Lên thị xã có tắm nước thuốc của người Dao Đỏ nữa, ngâm mình trong những thùng gỗ to (to hơn thùng tắm sữa dê của vua Mèo nhiều), nhâm nhi hương núi rừng...

Chợ huyện vùng cao
Cuối cùng, chú ý thêm là khi lên lịch đi Hà Giang phải luôn nhớ dành một ngày chủ nhật ở vùng cao nhé. Chợ huyện vùng cao (Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) có những thứ mà không bắt gặp được ở đâu khác.

Món thắng cố này luôn là mục đích của mình. Chuẩn bị đi vùng cao là hô ầm ầm, nhất định lần này ăn một bát thắng cố, nhưng chưa lần nào ăn được một miếng.


Chẳng bao giờ bạn có thể bắt gặp một hàng bán gà hay như thế này cả. Cứ ôm vào lòng thế thôi, ai muốn mua thì hỏi, trả đủ tiền thì mang đi, không thì đứng đến hết chợ lại mang về, chủ nhật tuần sau lại đi bán.

Rau cải Mèo này thì chả cần quảng cáo rau sạch gì cả. Đến nước để tưới rau cũng là chuyện khó nữa là. À, mà hình như ở đó gọi là cải nương (mọc trên nương) cơ, ít người gọi cải Mèo như mình.


Với những cô gái Mèo xinh tươi, áo váy sặc sỡ vì đi chợ luôn là đi hội.


Có bao giờ bạn tìm được một sự e ấp đáng yêu thế này ở dưới xuôi không ? Khi thấy mình giơ máy ảnh lên là bạn ấy cứ thế này, không ngẩng mặt lên cho đến khi mình đi xa.



Khi mình ngồi viết entry này, mọi người đang diễn tập ở sân vận động để chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai, có anh bạn trêu, thế là đáng tiếc cho em đấy nhé, bây giờ bọn anh cũng là thành phố như em rồi. Mình cũng thấy rưng rưng, mừng cho vùng đất ấy, nơi mình gắn bó một thời tuổi trẻ, nơi có thật là nhiều lưu luyến.

10 nhận xét:

Titi nói...

Chị iu ơi! Ảnh ngộ quớ!

Hà giang là mơ ước chưa thành của em. Khi nào về HG chị ới em nhé. Năn nỉ đấy :-)

PTN nói...

Chị đăng kí tổ chức 1 chuyến đi HG đây, Ti iu bắt khách đi nhé !

Lana nói...

Nhiều thông tin thú vị quá PTN ơi. Đọc, định dừng comment, rồi đọc tiếp, lại quên cái comment trước vì lại có cái gì đó mới bật ra.

- Mộ liệt sĩ LTH nằm một mình ở đấy hẳn là do người lính đã hy sinh ở chính nơi này. Cảm động.

- Cái vụ mấy cái buồng bà cả bà hai nho nhỏ sát nhau buồn cười ghê. Sao mà các bà ấy chịu được (khi đêm) nhỉ? :)

- Chị không ăn nổi thắng cố :((

- Thích những cái hình chợ Hà Giang quá, cả cái không khí vùng núi ẩn hiện trong entry này nữa, đúng là của người đã từng ngấm cái không khí ấy. Chắc phải đăng ký danh sách với Titi thôi.

PTN nói...

Ra tết đi chị nhé ? Mùa xuân là thích nhất đấy ạ.

Cái vụ buồng bà cả, bà hai san sát nhau, em cũng ngạc nhiên quá đi, hì hì... nhưng phụ nữ Mèo cam chịu lắm, trong tất cả mọi việc í. Một lần em gặp một cô gái cứ ngồi ve vuốt đuôi ngựa, canh chồng say nằm ngủ, hỏi gì cũng nhất định ko nói, ngồi im cả buổi luôn, không đánh thức, khi nào chồng tỉnh giấc thì về

Mía nói...

Ôi, cũng là niềm mơ ước của em, bạn em đi về chụp hình quá trời đất, mê mấy cái thung lũng ở đây:(

Moon nói...

Chị viết chi tiết quá, cho nên nếu sau Tết ai đó đi HG, cho em cái lịch trước để xem có thu xếp được thì nhào ra với nha

HY nói...

Cảnh Hà giang thanh bình quá, PTN viết bài kể tường tận đọc rất thú vị.

PTN nói...

Cả nhà ạ, qua tết mình sẽ tổ chức 1 chuyến nhé.
Mà Cột cờ Lũng Cú vừa được sửa lại mới, khánh thành hôm 25/8 vừa rồi. Nghe nói nó to hơn và hình dáng "như kiểu cột cờ Hà Nội í". Kinh phí đâu như 20 tỷ thì phải. Vậy là mấy tấm hình cột cờ của mình lại quý giá lắm rồi đấy.

Titi nói...

Vừng, chị thiết lập đường dây đi nhé. Em phụ trách mảng PR :-D

Nhưng mờ em chỉ thích đi vào những nơi thiên nhiên, càng hoang dã càng thích, xem cuộc sống của bà con và hit thở khí rừng trong lành ấy :-)

PTN nói...

ok em