Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Nghệ thuật chạm trổ ngoài rừng ở Úc

Mình túm được bộ sưu tập này hay quá, nên xin phép chủ nhân của họ mang về đây để xóm nhà mình được thưởng thức.































Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Tục “kéo vợ” của người H’Mông

Ở Hà Giang, người H’Mông có dân số đông nhất, với hơn 190.000 người, phân bố chủ yếu ở các huyện vùng cao phía Bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện phía Tây là Xín Mần và Hoàng Su Phì.

Với dân số đông, sống tương đối tập trung, người H’Mông ở Hà Giang vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của mình. Tục “kéo vợ” mà ta hay gọi là cướp vợ, cướp dâu là nét riêng độc đáo trong hôn nhân của người H’Mông.
Bao giờ cũng vậy, xuân về, tết đến cũng là dịp để thanh niên nam nữ H’Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau, đó có thể là các phiên chợ cuối năm, hội hè trong những ngày tết hay đơn giản chỉ là những buổi đi lấy củi, địu nước chuẩn bị cho một năm mới... Khi đôi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về thưa chuyện với bố mẹ và dòng họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì nhà trai sẽ mời ông mối sang đánh tiếng dạm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới (đón dâu). Đám cưới của người H’Mông thường được tổ chức linh đình vào ngày lành tháng tốt, thường là vào mùa xuân vì người ta rất kiêng làm đám cưới vào những tháng có sấm sét. Và người ta cho rằng, mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài vòng quay đó. Thế nhưng không phải câu chuyện tình yêu nào cũng có một cái kết có hậu mà không phải trải qua sóng gió. Trong thực tế có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý (chủ yếu là cha mẹ người con gái). Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trai gái tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên tục “kéo vợ” có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, đôi trai gái sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục “kéo dâu” bằng cách nhờ cậy những ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu, anh em, bạn bè... làm nội ứng, thống nhất kế hoạch “kéo dâu”, hợp lý hoá cuộc hôn nhân.
Mọi chuyện được tính toán trong bí mật, gia đình nhà gái không hề hay biết, cô gái vẫn ngày ngày đi nương, lấy củi, địu nước như thường. Rồi một ngày như đã hẹn... chàng trai xuất hiện. Hai người đang tâm sự thì bạn bè của chàng trai xuất hiện và giúp chàng trai kéo cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn cảm thấy bất ngờ, kêu toáng lên. Không những thế cô gái phải giả vờ kêu cứu, khóc lóc để mọi người nhà mình biết đến cứu. Người ta cho rằng người con gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì đó là đồ con gái rẻ rúng và hư hỏng, bị gia đình và làng xóm coi khinh. Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn (theo luật lệ của người H’Mông là đã đi “kéo vợ” thì nhà trai không được phép đánh lại nhà gái) để chàng trai mang cô gái về nhà. Sau khi gia đình chàng trai mang gà ra làm lễ quét phép, cô gái mới được đưa vào nhà. Người H’Mông quan niệm, con gái đã bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì có bỏ về bố mẹ đẻ cũng không thể chấp nhận được vì cô ta đã trở thành người của nhà khác, khi chết cũng là ma nhà khác rồi. Chính vì vậy, khi biết con gái mình đã bị người ta kéo về làm vợ thì dù có không đồng ý, có ấm ức thì đa phần nhà gái cũng đành đồng ý. Tuy nhiên, nếu cứ theo thủ tục thông thường thì khi đi ăn hỏi hai bên có thể thỏa thuận về khoản lễ cưới, nhưng nếu nhà trai dùng tục “kéo vợ” thì nhà gái sẽ ít khi thông cảm và thường phạt bằng cách đòi lễ cao hơn bình thường. Khi đã chấp nhận dùng tục “kéo vợ” thì nhà trai phải xác định ngay là sẽ bị nhà gái phạt. Và khi nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu để tránh sự chê cười của làng xóm. Chính vì những lệ này mà không phải gia đình nào cũng có thể dùng tục “kéo vợ” cho con trai. Những gia đình muốn dùng tục “kéo vợ” thường phải là những gia đình, dòng họ tương đối khá giả thì mới có thể đáp ứng nhu cầu khi nhà gái phạt. Bởi có không ít gia đình phải mất vài ba năm mới có thể trả hết lệ phạt mà nhà gái đặt ra.

Tục “kéo vợ” còn có thể diễn ra bởi nhiều lý do như: người con trai thích người con gái nhưng người con gái lại từ chối; gia đình người con trai dùng quyền thế “cướp vợ” cho con trai... nhưng những trường hợp này chỉ xảy ra trước kia, dưới thời xã hội phong kiến. Còn ngày nay, cũng như nhiều dân tộc khác, người H’Mông luôn trọng chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và quan niệm cái đẹp lứa đôi là khỏe mạnh, đạo đức và chăm chỉ. Hôn nhân là kết quả của tình yêu tự nguyện, các cuộc “kéo vợ” giờ đây chỉ là sự khẳng định cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc của trai gái người H’Mông mà thôi. Chính vì vậy, hiểu tục “kéo vợ” của người H’Mông như ngày nay chúng ta vẫn hiểu, là khi người con trai thích một người con gái, liền rủ bạn bè bắt cóc người đó về làm vợ là rất sai lầm, nghiêng về khía cạnh bạo lực mà không thấy hết được tính nhân văn sâu sắc trong đó. Chính vì vậy, có thể nói, người H’Mông có rất nhiều tục lệ với những ràng buộc khắt khe, song bên trong đó đều chứa đựng các yếu tố nhân văn rất tình người, được xử lý linh hoạt trên cơ sở đoàn kết thương yêu. Đó chính là nhân lõi để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa độc đáo của người H’Mông.

Nguồn : Tạp chí Quê hương

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Ngày 20 tháng 10

Một
Không có người phụ nữ nào xấu, chỉ có người phụ nữ chưa biết làm đẹp ! Chúc cho các chị em bạn bè của mình luôn biết làm đẹp cho riêng mình.
Hai
5g30' Nó bước vào phòng, mẹ à, con mua 10 bông dơn đỏ tặng bà và mẹ, mẹ cắm hoa giúp con nhé. Úi, mẹ ngồi dậy ngay, ừ để đấy mẹ cắm luôn nhé, cám ơn con.
- Mẹ à, cuộn dây ruy-băng đâu nhỉ ? Con muốn buộc một bó hoa.
Hoá ra, Nó dậy từ hơn 3 giờ, đi chợ hoa đêm Mai Dịch. Mẹ bước ra, thấy một ôm hoa hồng he hé nụ, đã được tước bớt lá cho gọn gàng, điểm thêm vài cành măng mềm mại...
- Ái dà, đẹp ghê nhỉ ?
- Chuyện, tặng người yêu mà mẹ. Hồi trước bố có tặng mẹ thế này không ?
- Không, bố chưa tặng mẹ thế này bao giờ.
- À, hồi đấy không có mẹ nhỉ ?
Rồi 2 mẹ con lụi hụi tìm tìm, buộc buộc, và Nó phóng xe đi. Bố mẹ nhìn nhau cười.
Bố ra nhìn lọ hoa dơn mẹ cắm xong gật gù, được, Nó thay cả bố nữa. Ô hay, vơ vào nhỉ !
Một lúc sau thấy Nó về, tươi tỉnh lắm. Mẹ hỏi, thế nào, thế bố bạn ấy có biết không, có suỵt chó ra đuổi không, sáng sớm đã đến cổng nhà người ta rồi a ? Nó cười, không sao, H. ra, sướng sướng một tý rồi chạy vào thôi, bố H. không biết đâu. Mẹ ôm nhẹ lấy Nó, cà cà vào má, hỏi, thế có thế này một tý không ? Nó cười, ối, không đâu, chưa gì đâu mẹ... Bố trêu, sáng bố H. nhìn thấy ôm hoa, tưởng một anh hơn H. đến chục tuổi đi ôtô đến tặng nhỉ ?

Chỉ có một điều mẹ làm hơi buồn một tý, vì nghe Nó nói, mẹ à, con mua bó hoa 100 bông, về chăm chút lại, đếm ra lại chỉ có 90 bông ! Nhưng mẹ bảo, thôi, không sao con ạ, bó nhiều quá họ dễ đếm nhầm ấy mà.

Ba
Nhân ngày 20 tháng 10, mình chia sẻ một số hình ảnh của chị em phụ nữ vùng cao, cuộc sống còn nhiều lam lũ nhưng vẫn có các nụ cười hạnh phúc, các trang phục... không đơn giản chút nào.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Những ngày đầu tiên...

Bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò...
Khi được gần 3 tháng, bỗng nhiên một hôm mẹ vào phòng thấy Nó đã lẫy từ bao giờ không ai biết, tiếc rằng hồi đó mẹ chưa có máy ảnh để ghi lại giây phút ấy. Và hình như Nó chỉ lẫy mỗi một lần ấy thôi. Còn sau đó vài tháng thì Nó bò lổm ngổm thế này luôn, và gần như ngay sau đó, Nó lần tường, lần ghế đứng được dậy đấy. Trông rõ buồn cười nhỉ ?


Vào ngôi trường đầu tiên
Nó đã đến vài nhà trẻ tư rồi, có nhà cũng chỉ trông mỗi mình Nó thôi. Rồi cũng thử đến trường, nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại hoàn đấy, về nhà thôi. Tận đến khi 16 tháng tuổi, gần như Nó mới đến trường Mầm Non một cách ổn định. Hồi ấy, cái balô đeo vai để mang quần áo tới lớp như thế này là oách xì lách lắm rồi đấy.


Ngày 5 tháng 9 năm 1998
Hôm ấy, 2 mẹ con đi khai giảng ở trường Trần Phú về, rẽ vào trường mẹ chơi và chụp ảnh. Khi Nó vào học lớp 1, các bạn trong lớp đã biết đọc, biết viết, mỗi Nó thì chưa biết tý gì cả. Hồi ấy, mẹ đã hết sức lo lắng. Chuyện là thế này. Mẹ đi công tác vùng cao 2 tháng, trước khi đi dặn bố ở nhà nhớ đi xin học cho Nó. Cuối tháng 8 về đến nhà, mẹ hỏi thì Nó vẫn chưa đi học đi hành gì cả. Mẹ gọi điện hỏi bà Khoa HT Trần Phú, bà ấy bảo, "bà và bố Nó gặp nhau mấy lần trong hè, có thấy nói năm nay Nó đi học đâu, giờ trẻ con lớp 1 biết đọc, biết viết cả rồi, đang nghỉ vài ngày để chuẩn bị khai giảng". Ối giời, thế là con mình học bét nhất lớp rồi.

Đến khi Nó biết đọc, biết viết, rồi cuối năm vẫn được học sinh giỏi, mẹ cứ buồn cười, trêu là tưởng Nó đúp lại 1 năm học, he he he... Thật tình đến giờ mẹ cũng ko nhớ kĩ, 2 tháng ở vùng cao mẹ có nhắc lại bố chuyện đi học của Nó hay không nữa mà đến nỗi thế. Hồi ấy, điện thoại chưa sẵn như bây giờ.

Năm 2010
Lại là những ngày đầu tiên Nó đến một ngôi trường mới. Bây giờ thì tự đi nhập học, không cần bố mẹ đưa đi nữa. Thậm chí bây giờ Nó đưa người khác đi nhập học được rồi mà, he he he...